Một số đồ gia dụng thiết yếu trong gia đình lại tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, có thể dẫn đến sự cố cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại đến sức khỏe thậm chí cả tính mạng.
Trước những thiệt hại to lớn mà những vụ nổ gây ra, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại những đồ vật quanh mình, để xác định đâu là những thứ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và cách phòng tránh trước khi quá muộn.
Bình gas
Hiện nay, bếp gas là loại bếp được sử dụng phổ biến nhất trong các gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nguy hiểm tiềm tàng mà nó mang lại khi đã có nhiều vụ nổ bình gas thảm khốc xảy ra.
Nguyên lý cháy nổ là do khí gas bị rò rỉ kết hợp với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp dễ cháy và chỉ cần ở trong nhiệt độ cao phù hợp hoặc có tia lửa phát ra khi bật công tắc bật đèn, quạt, điện thoại, giày cao gót có kim loại tiếp với mặt sàn... thì rất dễ xảy ra cháy nổ lớn.
Bóng đèn dây tóc
Ngoài nguyên nhân chập điện, quá tải thông thường, khi bóng đèn quá nóng, một giọt nước rơi vào mặt thủy tinh cũng khiến bóng đèn vỡ tung. Tuy sức nổ không lớn nhưng những mảnh thủy tinh văng xa và mạnh có thể gây nên những tổn thương ngoài ý muốn.
Pin, sạc dự phòng
Cấu tạo chung của những viên pin năng lượng, cụ thể ở đây, 1 cell Pin Lithium-ion được cấu tạo bởi rất nhiều tấm mang điện tích trái dấu xếp chồng lên nhau và phân tách nhau bởi những lớp cách điện.
Nhưng do 2 điện cực trái dấu chỉ được phân tách bởi 1 tấm cách điện mỏng, nên trong trường hợp đặc biệt, những tấm này bị hỏng và điện tích được dẫn trực tiếp qua các bản cực trái dấu, toàn viên pin sẽ nóng lên nhanh chóng và gây cháy nổ.
Pin điện thoại sau một thời gian dài sử dụng quá tải hoặc không đạt chuẩn sẽ bị phồng lên. Khi vượt quá giới hạn, viên pin sẽ nóng lên nhanh chóng và gây cháy nổ. Chất lithium trong pin tiếp xúc trực tiếp với không khí sẽ gây cháy.
Vì sự an toàn của mình, hãy nói không với tất cả các sản phẩm pin không rõ nguồn gốc. Tránh mua pin không phải do các đơn vị chính hãng phân phối và đồng thời, hãy ngưng sạc pin bên cạnh khi đang ngủ, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Tủ lạnh
Cần biết rằng, cấu tạo của tủ lạnh gồm dàn lạnh, dàn nóng, bình gas, máy nén, các ống dẫn... trong đó bình gas có chức năng bơm gas lên dàn lạnh phục vụ quá trình làm lạnh. Máy nén giúp gas lưu thông trong tủ lạnh; khi tủ lạnh hoạt động máy nén sẽ chuyển gas ở dạng khí sang dạng lỏng và đưa gas tuần hoàn làm lạnh khắp máy.
Nguy cơ nổ tủ lạnh thường gặp ở những tủ đã quá cũ hoặc do sửa chữa hàn xì, thay gas nhiều lần nên có cặn bẩn gây tắc ống mao nối từ dàn ngưng đến dàn bay hơi, giảm khả năng làm mát, dẫn đến áp suất hệ thống quá cao, dễ cháy nổ. Ngoài ra, có trường hợp do điện áp tăng đột ngột, máy nén liên tục đưa hơi gas vào dàn nóng, làm tăng áp suất của gas, dẫn tới cháy nổ.
Bật lửa
Bật lửa là một nguồn phát nổ tiềm ẩn mà ít người để ý. Trong bật lửa gas có chứa một lượng gas nhất định, khi gas trong bật lửa bị rò rỉ (do nứt vỏ nhựa, hở van…) ra môi trường xung quanh (có khí oxy), gặp môi trường nhiệt độ đủ cao hay có tia lửa điện (dù rất nhỏ) có thể gây hiện tượng cháy nổ, gây hại cho người sử dụng.
Bình nóng lạnh
Bình nóng lạnh sử dụng điện có cấu tạo giống chiếc ấm đun nước bằng điện, gồm thanh đun, rơ le, bình chứa nước. Khi mới sử dụng, bình hiếm khi xảy ra sự cố bởi các thiết bị còn mới và đầy đủ các hệ thống an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt và sử dụng, bình nóng lạnh đều đứng trước nguy cơ rò rỉ điện, chập cháy nổ.
Sau thời gian dài sử dụng, thanh điện trở bị một lớp cặn bám vào, làm giãn nở, gây nứt vỡ vỏ thanh điện trở và rò điện ra nước. Hoặc vỏ thanh điện trở bị ăn mòn làm thủng ống, điện sẽ rò theo nước chảy, khiến người sử dụng bị giật.
Đường dây điện trong nhà
Một trong những nguyên nhân cháy nổ phổ biến nữa là do chập, cháy đường điện hoặc các thiết bị điện trong gia đình. Khi đường điện bị quá tải, bị hở hoặc các thiết bị điện gặp sự cố sẽ gây chập, cháy. Nếu các thiết bị điện này đặt gần bình xăng xe hoặc bình gas, bình cứu hỏa thì những vụ cháy nổ kinh hoàng xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Bình cứu hỏa mini
Bình chữa cháy mini thường có dạng bột - là bình chữa cháy bên trong chứa khí N2 làm lực đẩy để phun bột dập tắt đám cháy. Tuy nhiên các loại bình chữa cháy phải được bảo quản trong điều kiện mát mẻ, tránh để gần nơi có nhiệt độ cao hoặc ngoài trời, nhiệt độ thích hợp từ -10 độ C tới 55 độ C.
Nếu ở trong nhiệt độ quá nóng, như hấp thụ trực tiếp nhiệt lượng từ mặt trời có thể gây tăng thể tích bình, chất lỏng bên trong bình tăng theo. Khi đạt ngưỡng áp suất đủ lớn, nó sẽ gây ra hiện tượng nổ vô cùng nguy hiểm.
Nước hoa
Trong nước hoa có chứa thành phần rượu cồn - đây là thành phần dễ bay hơn, cháy. Nếu tình cờ bình đựng nước hoa có dạng thấu kính lồi đặt trong ô tô và bị Mặt trời chiếu vào, sản sinh điểm hội tụ sẽ làm cháy chất cồn bên trong, dễ tạo thành vụ nổ nghiêm trọng.
Nước hoa được chiết xuất một phần từ các tinh dầu tự nhiên, các chất bay mùi và dầu mỏ cho dễ dàng gây cháy. Ở điều kiện nhiệt độ cao trên 50oC, nước hoa có thể tự động phát nổ. Ngoài ra, khi nước hoa tiếp xúc với lửa sẽ dễ dàng bốc cháy và bùng phát.
Một số cách phòng chống cháy nổ trong gia đình
- Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy như giấy, chăn ga hay quần áo, các vật liệu dễ cháy quanh bếp, nơi chúng ta thường xuyên nấu nướng.
- Không dự trữ xăng, dầu hay bình ga mini trong nhà. Nếu có thì chỉ dự trữ với số lượng ít. - Bố trí sắp xếp các mặt hàng và tạo một khoảng cách nhất định giữa các đồ vật để tránh lan tỏa rộng khi có hỏa hoạn xảy ra.
- Hạn chế sử dụng nhựa, gỗ, tấm xốp,… để ốp tường hay trần nhà, nhằm hạn chế cháy lan rộng.
- Lắp đặt và sử dụng hệ thống điện trong gia đình đúng theo tiêu chuẩn, lắp đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy để bảo vệ, tự ngắt khi có sự cố xảy ra.
- Không được trẻ nhỏ chơi trong bếp một mình khi bếp đang bật hay các thiết bị dùng điện để nấu nướng, như vậy rất nguy hiểm. |
L.H (tổng hợp từ Đời sống @ pháp lý)